Nếu Omnichannel (bán lẻ đa kênh) là xu hướng “thống trị” ngành bán lẻ trong nhiều năm trở lại đây thì bước sang 2020 – 2021, Unified Commerce hay còn gọi là thương mại hợp nhất được dự đoán sẽ “lên ngôi”. Theo thống kê của Boston Retail Partners, có 28% nhà bán lẻ đã áp dụng thương mại hợp nhất vào năm 2018 và hơn 80% các nhà bán lẻ đã lên kế hoạch để áp dụng mô hình này vào cuối năm 2020. Vậy chính xác Unified Commerce là gì và đóng vai trò như thế nào với các doanh nghiệp hiện nay?
Ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình
1. Thương mại hợp nhất là gì?
Thương mại hợp nhất (Unified Commerce) là giải pháp kết hợp dữ liệu khách hàng và sản phẩm trên một nền tảng tập trung duy nhất để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng. Nền tảng này bao gồm sự kết hợp giữa thương mại điện tử, thương mại di động, quản lý đơn hàng, quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý hàng tồn kho và nhiều công nghệ khác.
Trong tương lai gần, các nhà tiếp thị sẽ cạnh tranh với nhau gần như hoàn toàn dựa trên cảm xúc của khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp những trải nghiệm mượt mà cho người tiêu dùng sẽ mang đến sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp vì trải nghiệm mua sắm liền mạch sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn để đo lường các hoạt động kinh doanh. Do đó, để tạo ra sự liền mạch này, các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào quá trình tạo ra một chiến lược thương mại thống nhất.
Xem thêm: 5 chiến lược hiệu quả để phát triển doanh nghiệp bán lẻ
Unified Commerce tập hợp mọi dữ liệu tại một nền tảng duy nhất
2. Các yếu tố cấu thành một nền tảng thương mại hợp nhất
Một giải pháp thương mại hợp nhất sẽ được cấu thành từ 4 yếu tố: tính tương tác, kênh bán hàng, hệ thống và sản phẩm. Cả 4 đều sẽ bổ trợ lẫn nhau để tạo nên các trải nghiệm thống nhất trên mọi kênh bán hàng của doanh nghiệp.
Tương tác
Hoạt động mua sắm của khách hàng có thể diễn ra trên nhiều kênh, tại những khoảng thời gian và thiết bị khác nhau. Là một nhà bán lẻ, rất khó để có thể dự đoán hành vi của tất cả người tiêu dùng, đặc biệt nếu bạn đang mơ bán nhiều sản phẩm trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần phải ghi lại hành vi của khách hàng một cách thống nhất trên mỗi kênh bán hàng Với Unified Commerce, bạn không chỉ nắm được cách doanh nghiệp của đang tương tác với khách hàng mà còn biết được các bộ phận nào trong hệ thống của bạn sẽ tương tác và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Kênh
Việc đảm bảo khách hàng không gặp phải các hạn chế trên bất kỳ kênh mua sắm nào khi tìm hiểu sản phẩm hay đặt hàng là điều vô cùng quan trọng. Với mô hình Unified Commerce, bài toán này sẽ được giải quyết bởi khách hàng sẽ có được trải nghiệm liền mạch và đồng nhất bất kể họ có thay đổi hay được điều hướng sang một kênh truy cập khác trong quá trình mua sắm hay không.
Xem thêm: Những thành tố quan trọng của một mô hình bán lẻ vững mạnh
Khách hàng sẽ có trải nghiệm mua sắm đồng nhất trên mọi kênh mua hàng
Hệ thống
Khi kinh doanh, tất cả các hệ thống trong một tổ chức phải hoạt động gắn kết với nhau để tạo nên một “hệ sinh thái” thống nhất, từ phần mềm quản lý bán hàng, bán hàng di động, nền tảng thương mại điện tử cho đến giải pháp quản lý chuỗi cung ứng. Với Unified Commerce, tất cả các hệ thống này phải làm việc cùng nhau để cho phép các công ty theo dõi khách hàng của họ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc hành trình mua sắm của khách hàng.
Sản phẩm
Cho dù các nhà bán lẻ có áp dụng mô hình Unified Commerce hay không, thông tin sản phẩm chính xác và được cập nhật thường xuyên là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong trải nghiệm khách hàng. Cùng với hành trình mua hàng, việc thống nhất thông tin sản phẩm trên tất cả các kênh và điểm bán hàng là yếu tố không thể thiếu để tạo ra một nền tảng thương mại thống nhất Unified Commerce.
Thông tin về sản phẩm được đồng bộ tại mọi cửa hàng
3. Thương mại hợp nhất và bán lẻ đa kênh: Sự khác biệt là gì?
Nhắc đến Unified Commerce, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lại phải thay đổi phương thức bán lẻ đa kênh truyền thống vốn đang hiệu quả và chuyển sang thương mại hợp nhất? Sự khác nhau giữa hai mô hình này là gì? Có thể hiểu đơn giản như sau, bán lẻ đa kênh là mô hình sử dụng nhiều kênh bán hàng khác nhau như website, truyền thông xã hội, ứng dụng di động và email. Vì vậy, nếu chuỗi bán lẻ của bạn có trang web và trang truyền thông xã hội, thì bạn đang mang lại trải nghiệm đa kênh cho khách hàng.
Vấn đề chính là mô hình bán lẻ đa kênh không cung cấp tính nhất quán trên tất cả các kênh bán hàng và thiết bị, phần mềm quản lý bán hàng vì mỗi kênh được quản lý thông qua giao diện riêng, điều này vừa tốn thời gian vừa tốn kém chi phí và nhân lực. Ngược lại, với mô hình Unified Commerce, nhà bán lẻ chỉ cần dựa trên một nền tảng tập trung duy nhất để quản lý tất cả các thông tin liên lạc của khách hàng. Hơn nữa, họ cũng có thể dễ dàng tạo ra giao diện và thông điệp giống nhau trên tất cả các kênh và thiết bị của họ. Vì vậy, thay vì có nhiều giao diện, họ chỉ cần tập trung vào một giao diện mà thôi.
Xem thêm: 10 bí quyết để bắt đầu một doanh nghiệp bán lẻ
Unified Commerce giúp bạn quản lý toàn bộ các phần mềm trong cùng 1 hệ thống
4. Lợi ích của Unified Commerce
Có nhiều lý do để các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng Unified Commerce. Trong đó, thời gian, chi phí và trải nghiệm khách hàng là những yếu tố quan trọng nhất.
Tiết kiệm thời gian và chi phí tích hợp
Khi bạn sử dụng nhiều hệ thống khác nhau để quản lý bán hàng, website, kênh thương mại điện tử…, việc liên kết và giao tiếp giữa các nền tảng khác nhau có thể trở thành một vấn đề lớn. Đồng thời, bạn phải làm việc với nhiều nhà cung cấp để quản trị các hệ thống này. Tuy nhiên, khi sử dụng một hệ thống hợp nhất, bạn có thể giảm thiểu chi phí và thời gian xây dựng nền tảng, liên kết, bảo trì và nâng cấp các hệ thống.
Đào tạo nhân viên nhanh hơn
Nếu doanh nghiệp đang sử dụng nhiều hệ thống, việc giới thiệu tất cả cho nhân viên mới sẽ mất rất nhiều thời gian. Còn với Unified Commerce, nhân viên chỉ cần được hướng sử dụng một hệ thống duy nhất. Việc thuyên chuyển nhân viên giữa các phòng ban với nhau cũng dễ dàng hơn vì bạn không cần phải mất thời gian đào tạo lại từ đầu.
Xem thêm: 5 xu hướng bán lẻ lớn nhất sẽ bùng nổ trong năm 2021
Hướng dẫn quy trình mới cho nhân viên trở nên đơn giản với Unified Commerce
Giảm nguy cơ sai sót
Khi doanh nghiệp sử dụng các hệ thống riêng biệt, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến dữ liệu không đồng bộ. Điều này sẽ dẫn đến các sai sót phổ biến như nhân viên tiếp tục bán những mặt hàng vốn đã hết hàng trong kho hay giới thiệu giá sản phẩm sai. Tuy nhiên, mô hình thương mại hợp nhất sẽ giúp bạn giảm thiểu những rủi ro này nhờ hệ thống dữ liệu đồng bộ tại mọi kênh, mọi điểm bán.
Hiểu rõ khách hàng hơn
Bằng cách tập trung dữ liệu khách hàng tại một nền tảng duy nhất, Unified Commerce cho phép doanh nghiệp bao quát được toàn bộ các vấn đề xoay quanh khách hàng và nhân viên tại mọi điểm bán đều có thể tiếp cận các thông tin này. Không chỉ hạn chế việc nhập liệu không đầy đủ, Unified Commerce còn hỗ trợ việc thiết kế chương trình khuyến mãi, khách hàng thân thiết… bằng cách phân tích hành vi mua hàng từ kho dữ liệu “khổng lồ” đang có.
Thương mại hợp nhất giúp bạn có cái nhìn tổng quan về khách hàng của mình
Chỉ cần làm việc với một nhà cung cấp
Khi sử dụng nhiều hệ thống, chắc chắn bạn sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp hệ thống, phần mềm quản lý bán hàng riêng biệt – một yếu tố có thể làm phức tạp hơn các vấn đề của bạn. Tuy nhiên, với Unified Commerce, bạn chỉ cần chọn một nhà cung cấp và điều này sẽ giảm được chi phí lẫn sự phức tạp khi làm việc.
Unified commerce là một giải pháp quản lý và bán hàng mang đến sự thuận tiện cho các nhà bán lẻ. Việc thay đổi từ bán lẻ đa kênh sang thương mại hợp nhất là một bước tiến giúp ngành công nghiệp bán lẻ phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu bạn cũng đang băn khoăn tìm giải pháp cho thương hiệu của mình, sao không thử tìm đến mô hình thương mại hợp nhất ngay hôm nay?