Những công nghệ mới ra đời mở ra những cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ. Việc áp dụng công nghệ vào hệ thống quản lý bán lẻ là một việc làm bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn hội nhập vào xu thế toàn cầu. Vậy công nghệ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bán lẻ thế nào? Những xu hướng nào đang được ưa chuộng? Cùng LBC International tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Công nghệ tác động tích cực lên hoạt động quản lý bán lẻ
1. Hệ sinh thái bán lẻ
Đối với doanh nghiệp bán lẻ, muốn thành công bạn phải xây dựng một hệ sinh thái hiệu quả, bao gồm các phần mềm kế toán, quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM), hệ thống thanh toán (POS), hệ thống thương mại điện tử,… Hệ sinh thái càng đa dạng và được đồng bộ tốt thì hoạt động kinh doanh càng hiệu quả.
Khi công nghệ phát triển, kỳ vọng của khách hàng tăng lên, hệ sinh thái của bạn sẽ phải tiếp tục phát triển và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bạn cũng cần quan tâm đến sự phối kết hợp các yếu tố này để việc vận hành suôn sẻ và quản lý bán lẻ hiệu quả hơn.
Hệ sinh thái bán lẻ hiệu quả sẽ mang lại thành công cho doanh nghiệp
2. Thương mại tự động (A – Commerce)
Con người ngày nay luôn muốn tự động hóa mọi thứ, kể cả quá trình mua hàng. Thương mại tự động (A – Commerce) là việc áp dụng công nghệ tự động hóa vào quá trình mua hàng, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Thương mại tự động đang phát triển mạnh mẽ
2.1. Mua hàng tự động
Đối với những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, thật phiền phức cho cá nhân khi họ luôn định kỳ mua sản phẩm nhưng phải mất công đi mua hay thao tác trên các trang thương mại điện tử. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể tận dụng điều này, phát triển mô hình mua hàng tự động để tăng hiệu quả kinh doanh. Cụ thể doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình bán hàng dựa trên đăng ký, định kỳ cung ứng sản phẩm cho khách hàng để cuộc sống của họ thoải mái hơn.
2.2. Marketing tự động
Doanh nghiệp bán lẻ sử dụng những công cụ để thu thập, phân tích hành vi của từng khách hàng để marketing tự động đến từng đối tượng đó. Những khách hàng có hành vi khác nhau sẽ nhận được những thông điệp khác nhau.
Sự cá nhân hóa khách hàng theo hướng này đang ngày càng tỏ ra hiệu quả và phát huy tác dụng mạnh mẽ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiếp thị đúng theo mong muốn, nhu cầu của từng khách hàng từ đó gia tăng tỷ lệ mua hàng.
2.3. Quy trình tự động
Một số quy trình được tự động hóa trong quá trình mua hàng như: tự động xác minh ID khách hàng, tự động đặt lại đơn hàng với mặt hàng lưu trữ kho thấp, tự động cập nhật lượng hàng tồn kho khi khách mua sản phẩm,… Những hoạt động này không chỉ khiến hoạt động kinh doanh và cung ứng sản phẩm diễn ra trơn tru hơn mà còn giúp làm tăng sự hài lòng của khách hàng với doanh nghiệp.
3. Nền tảng tập trung vào tương tác ảo với khách hàng
Các chiến lược tương tác ảo giúp doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng tốt hơn
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng mặt của các nền tảng tương tác ảo trong mùa đại dịch cho chúng ta thấy nhu cầu tương tác của con người luôn mạnh mẽ. Con người hiện đại ngày càng ưa thích sự nhanh chóng, tiện lợi.
Điều này đặt ra một thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ cần tìm cách tăng cường tương tác với khách hàng để tăng khả năng cạnh tranh.
Tập trung vào tương tác ảo với khách hàng cho phép doanh nghiệp tăng thời gian tiếp xúc với khách hàng, dễ dàng tạo được thiện cảm và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng. Hơn nữa, khi khách hàng được thỏa mãn tốt, khả năng rất cao họ sẽ trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
4. Thanh toán không tiếp xúc (một chạm)
Thanh toán không tiếp xúc hiện nay không còn xa lạ nữa. Nhiều mô hình được triển khai như ví điện tử, quét QR code,… mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. Một số cái tên điển hình ở Việt Nam như Momo, Zalo Pay, VNpay, Airpay, Viettel Pay hay các ứng dụng Smart Banking của ngân hàng.
Đại dịch vừa qua đã đẩy nhanh sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc vì tính an toàn mà nó mang lại. Doanh nghiệp bán lẻ muốn phát triển trong thời kỳ mới không thể bỏ qua xu hướng này. Chưa kể tại Việt Nam, khi sử dụng các ví điện tử, quét mã QR, khách hàng nhận được khá nhiều ưu đãi, từ đó họ trở nên ưa thích loại hình thanh toán này hơn.
Thanh toán không chạm đang trở thành xu hướng toàn cầu
5. Nền tảng quản lý và thực hiện đơn hàng
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, nền tảng quản lý và thực hiện đơn hàng là yếu tố quan trọng tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các mặt hàng đặc thù như đồ tươi sống, hoa quả, gas,…
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, khi cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc khách hàng tại điểm bán ngày càng được cải thiện và đồng đều, thì yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp bán lẻ chính là tốc độ và tính linh hoạt trong việc thực hiện đơn hàng.
Điều này liên quan chặt chẽ đến hoạt động logistics của doanh nghiệp, bao gồm năng lực quản lý kho hàng và thực hiện đơn đặt hàng của khách hàng. Việc tự triển khai hoạt động logistics cho phép bạn chủ động hơn và khả năng thỏa mãn khách hàng cũng cao hơn, thế nhưng lại tốn kém nhiều chi phí và nguồn lực quản lý.
Dựa vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, bạn hãy cân nhắc nên tự triển khai logistics hay thuê ngoài và nếu thuê thì thuê những đơn vị nào để tối ưu cả về chi phí và khả năng đáp ứng khách hàng thông qua thực hiện đơn hàng hiệu quả nhất.
Nền tảng quản lý và thực hiện đơn hàng cần gắn liền với logistics
Trong tương lai sẽ có thêm nhiều xu hướng công nghệ bán lẻ được phát triển. Tuy nhiên, để lựa chọn và áp dụng đúng xu hướng vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ cần phải nhìn thực tế vào tình hình doanh nghiệp để có thể khai thác tối đa hiệu quả công nghệ mang lại.