5 cách thức xây dựng doanh nghiệp bán lẻ trở nên bền vững hơn

Đăng bởi lbc vào 24/10/2020

Khi lối sống xanh trở thành tiêu chuẩn mới, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những thương hiệu cùng chia sẻ hệ giá trị bền vững với họ. Không đơn thuần chỉ là chất liệu và đóng gói, sự bền vững trong chuỗi cung ứng đến bộ máy vận hành là những yếu tố quan trọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực thay đổi để trở nên bền vững hơn. Vậy doanh nghiệp bền vững là gì và con đường bước đến mô hình này như thế nào?

Mô hình doanh nghiệp bền vững đang trở thành xu hướng những năm gần đây

Mô hình doanh nghiệp bền vững đang trở thành xu hướng những năm gần đây

1. Xu hướng doanh nghiệp bền vững là gì?

Doanh nghiệp bền vững là những thương hiệu tạo ra giá trị tài chính và xã hội thông qua việc bảo vệ môi trường thể hiện trong các hoạt động kinh doanh, vận hành và chuỗi cung ứng. Hiện nay, xu hướng này lan tỏa đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là ngành bán lẻ.

Ngày càng nhiều thương hiệu gia nhập đường đua bền vững và nỗ lực tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng. Ví dụ điển hình là Coca Cola với cam kết thu hồi tối thiểu 75% chai nhựa đã sản xuất ra thị trường vào năm 2020 hay Johnson Johnson đóng góp 35% nhu cầu năng lượng từ những nguồn tái tạo.

Coca Cola đặt mục tiêu thu hồi 75% chai nhựa từng tung ra thị trường vào năm 2020

Coca Cola đặt mục tiêu thu hồi 75% chai nhựa từng tung ra thị trường vào năm 2020

2. Tại sao doanh nghiệp bán lẻ nên quan tâm đến sự bền vững

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đưa yếu tố bền vững vào mô hình kinh doanh xuất phát từ việc đây là điều người tiêu dùng muốn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. So với trước đây, các vấn đề như biến đổi khí hậu, chất thải dư thừa và sử dụng lao động phi nhân đạo đang nổi cộm hơn bao giờ hết.

Những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen và quyết định mua hàng của tệp khách hàng hiện đại. Theo kết quả nghiên cứu năm 2017 của Cone Communications, 87% người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng mua sản phẩm từ những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, trong khi đó, 76% sẽ tẩy chay những thương hiệu đi ngược lại với giá trị này.

Vì vậy, các thương hiệu hiện nay cần chứng minh rằng họ thật sự nỗ lực để trở nên bền vững hơn, chứ không chỉ đơn thuần thực hiện điều đó bằng bề nổi của marketing. Tuy nhiên, nhiều nhà bán lẻ quy mô nhỏ đang phải vật lộn để tìm cách giảm dấu chân carbon.

Khách hàng ngày càng quan tâm đến tính bền vững khi mua sắm

Khách hàng ngày càng quan tâm đến tính bền vững khi mua sắm

3.  5 cách giúp xây dựng doanh nghiệp bền vững

Hiện nay, có rất nhiều sáng kiến bền vững đủ ​​mạnh để có thể áp dụng với mọi mô hình doanh nghiệp. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ gợi ý 5 cách thức biến thương hiệu của bạn trở nên “xanh” hơn.

Bền vững trong các hoạt động hàng ngày

Điều đầu tiên doanh nghiệp có thể làm là chọn những thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống thắp sáng, làm mát, in ấn,… Bạn có thể thay thế bóng đèn sợi đốt trong thành đèn LED hay CFL, lắp đặt máy lạnh chất lượng tốt,… Những lựa chọn này không chỉ giảm thiểu điện năng tiêu thụ, giảm lượng khí thải nhà kính mà còn tiết kiệm chi phí vì tuổi thọ sử dụng lâu dài.

Tiếp theo, hãy bắt đầu giảm thiểu lượng giấy tại doanh nghiệp. Thay vì làm các tác vụ bằng giấy, hãy “số hóa” mọi quy trình và thực hiện trên laptop, điện thoại… Ngoài ra, hãy cắt giảm các hóa đơn, chứng từ giấy… càng nhiều càng tốt. Khi thanh toán cho khách hàng, bạn nên đưa ra tùy chọn gửi hóa đơn qua email thay vì in hóa đơn giấy bởi theo một nghiên cứu, có đến 89% người tiêu dùng thích nhận hóa đơn điện tử khi mua sắm.

Một cách hữu hiệu khác chính là xử lý rác thải đúng cách. Bước cơ bản nhất chính là tái sử dụng những vật có thể dùng lại được hay cho tặng những thứ không cần dùng tới. Ngoài ra, hãy phân loại rác thải đúng nơi đúng chỗ.

Xử lý các công việc bằng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm lượng rác thải giấy hàng ngày

Xử lý các công việc bằng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm lượng rác thải giấy hàng ngày

Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường

Bao bì đóng vai trò là một yếu tố cần thiết cho mọi doanh nghiệp bán lẻ, tuy nhiên, nhiều vật liệu tạo nên bao bì lại cực kỳ nguy hại đến môi trường, đặc biệt là nhựa. Vì vậy, bao bì thân thiện với môi trường là một trong những bằng chứng đáng tin cậy nhất về tiềm năng phát triển bền vững của một công ty.

Theo Coleman Parkes Research, có đến 88% người tiêu dùng muốn bao bì sản phẩm hiển thị các thông tin về tính bền vững và 92% người tiêu dùng sẽ chọn bao bì làm từ giấy thay vì bao bì nhựa.

Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng bao bì và tính thân thiện với môi trường để bảo vệ sản phẩm trong quá trình vận chuyển và làm hài lòng người tiêu dùng. Ngoài ra, bao bì cũng là một cơ hội tiếp thị thương hiệu quan trọng đối với doanh nghiệp.

Bao bì làm từ chất liệu thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu dấu chân carbon của doanh nghiệp

Bao bì làm từ chất liệu thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu dấu chân carbon của doanh nghiệp

Giúp khách hàng bù đắp tác động của họ đến môi trường

Một nghịch lý trong ngành bán lẻ là có đến 88% người tiêu dùng duy trì thói quen mua sắm nhưng lại muốn các thương hiệu giúp họ giải “bài toán” bền vững và dấu chân carbon.

Do đó, việc giúp khách hàng của bạn “bù đắp” những tác động tới môi trường sẽ giúp doanh nghiệp ghi điểm. Bằng cách giúp người tiêu dùng cảm thấy được “trao quyền”, bạn sẽ mang lại cho họ niềm tin rằng doanh nghiệp đang tạo ra sự khác biệt trong dài hạn.

Một ví dụ điển hình cho hình thức này chính là H&M với chiến dịch thu gom quần áo cũ và tặng voucher mua hàng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, Keep Cup cũng là một thương hiệu nổi bật khi cho ra đời ly, ống hút, túi đựng tái sử dụng cùng cam kết đóng góp 1% lợi nhuận cho việc bảo vệ môi trường.

H&M khuyến khích khách hàng đổi áo quần cũ lấy voucher mua hàng

H&M khuyến khích khách hàng đổi áo quần cũ lấy voucher mua hàng

Biến yếu tố bền vững thành một phần câu chuyện thương hiệu

Những nỗ lực của doanh nghiệp sẽ tiến xa hơn nữa nếu bạn công khai sự tham gia của mình vào các sáng kiến ​​bền vững. Bạn cần cho người tiêu dùng biết họ có thể đạt được những gì khi đồng hành hay mua hàng từ doanh nghiệp của bạn.

Để làm điều này, bạn cần kết hợp tính bền vững với cách thương hiệu giao tiếp với khách hàng và chứng minh rằng sự bền vững nằm trong bản sắc doanh nghiệp. Lúc này, tiếp thị nội dung sẽ đóng vai trò tối quan trọng. Thông qua những nội dung trên kênh trực tuyến, câu chuyện bền vững và giá trị lâu dài trong những nỗ lực của thương hiệu sẽ được lan tỏa hiệu quả hơn.

Để kể được câu chuyện có ý nghĩa, hãy xem xét những điều sau:

  • Doanh nghiệp của bạn có lợi cho ai và vì sao?
  • Làm thế nào để tạo ra trải nghiệm sản phẩm/khách hàng tốt hơn?
  • Làm thế nào để những nỗ lực của bạn liên kết trở lại với tính cách thương hiệu?
  • Bạn kỳ vọng đạt được điều gì trong dài hạn bằng cách trở nên bền vững hơn?

Hãy kể câu chuyện bền vững của thương hiệu thông qua truyền thông

Hãy kể câu chuyện bền vững của thương hiệu thông qua truyền thông

Xây dựng chiến lược bền vững trong dài hạn

Mặt trái của kinh doanh ”xanh” chính là ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa ra những tuyên bố sai lệch về sự bền vững trong mô hình kinh doanh hay sản phẩm của họ. Bởi lẽ, họ xem sống xanh như một xu thế thay vì một chiến lược dài hạn chỉ để tạo hình ảnh thương hiệu tốt hơn và thúc đẩy doanh số.

Tuy nhiên, yếu tố bền vững không thể giả mạo hay tự xưng mà cần đến những bằng chứng và việc làm thật. Để làm được điều này, bạn cần đảm bảo các sản phẩm của doanh nghiệp được đóng gói bao bì cẩn thận và hiển thị thông tin minh bạch để tránh việc gây hiểu nhầm đối với người tiêu dùng.

Ngoài ra, chứng nhận từ bên thứ 3 (cơ quan có thẩm quyền) cũng là một cách hữu hiệu để tạo niềm tin với khách hàng về sự quan tâm tới môi trường, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp.

Chiến lược “xanh” trong dài hạn là điều nhiều doanh nghiệp đang hướng tới

Chiến lược “xanh” trong dài hạn là điều nhiều doanh nghiệp đang hướng tới

Trở thành một doanh nghiệp bền vững không hề dễ dàng, tuy nhiên, nếu làm được điều đó, bạn đang trở thành một mảnh ghép trong lời giải cho vấn đề môi trường và xã hội. Với những gợi ý được LBC International đề cập trong bài viết trên, hy vọng rằng bạn đọc đã có được những thông tin cần thiết và tìm được hướng đi riêng cho doanh nghiệp trên con đường giảm thiểu dấu chân carbon.